VND USD
Kết nối với chúng tôi Theo dõi Thế giới y tế trên Facebook Theo dõi Thế giới y tế trên Youtube Theo dõi Thế giới y tế trên TikTok
Hotline: 0984 456 296
Tư vấn ngay: 0984 456 296

Bệnh tiểu đường và máy đo đường huyết?

Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là bệnh đái tháo đường) là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa với đặc điểm là tăng lượng đường huyết trong cơ thể, gây ra nhiều biến chứng và là một trong bảy nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.

Nguyên nhân của bệnh là do nồng độ insulin trong cơ thể không ổn định ( có thể thiếu hoặc thừa). Nếu bị tiểu đường mà bạn kiểm soát được lượng đường trong máu và theo dõi thường xuyên thì chắc chắn lượng đường sẽ được điều chỉnh nằm trong mức gần như an toàn.

Máy đo đường huyết

Việc phát hiện và chữa trị sớm sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ biến chứng do tiểu đường và tử vong cũng như cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Từ đó, máy đo đường huyết đã được nghiên cứu cho ra đời và sẽ trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu đối với người mắc bệnh tiểu đường. Vậy máy đo đường huyết là gì, cấu tạo, phân loại và nguyên lý hoạt động như thế nào? Hãy cũng Medgo tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1. Máy đo đường huyết là gì?

Đường huyết là thuật ngữ dùng để chỉ lượng đường có trong máu. Luôn có một lượng đường nhất định trong máu, nếu như lượng đường này tăng hay giảm xuống quá nhiều so với mức độ bình thường thì đây là một dấu hiệu bất  bình thường của cơ thể. Đường huyết tăng tức là cơ thể bạn đang có quá nhiều đường trong máu.

Ngược lại nếu đường huyết giảm hay còn gọi là hạ đường huyết thì cho thấy lượng đường trong máu của bạn đang thấp hơn bình thường. Đường huyết thấp là nguyên nhân làm cơ thể bị thiếu năng lượng và gây nên tình trạng mệt uể oải, chóng mặt và có thể gây đột quỵ … còn đường huyết quá cao là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường kèm các biến chứng nguy hiểm.

Máy đo đường huyết là thiết bị y tế dùng để đo và theo dõi lượng đường trong máu. Về bản chất thì máy đo đường huyết chỉ là thiết bị hiển thị các thông số, giúp cảnh báo về tình trạng sức khỏe của người dùng để phát hiện và chữa bệnh kịp thời.

Lấy máu đo đường huyết

2. Cấu tạo và cơ chế hoạt động của máy đo đường huyết 

a/ Cấu tạo của máy đo đường huyết bao gồm: Mạch vi xử lý, màn hình hiển thị, phím bấm, vị trí đặt que test, nguồn điện. 

Một bộ máy đo đường huyết gồm:

- 01 máy đo đường huyết

- 01 bút lấy máu

- 01 hộp que thử

- 01 hộp kim lấy máu

b/ Cơ chế hoạt động 

Ở đầu của que thử đường huyết có thuốc thử, máy sẽ hiển thị dạng số nồng độ đường huyết tương ứng nhờ vào phản ứng điện hóa giữa thuốc thử ở đầu que và lượng đường trong máu. Kết quả của việc đo đường huyết chỉ thể hiện được mức đường huyết tại thời điểm đo theo đơn vị mmol/lit hoặc mg/dL.

3. Phân loại máy đo đường huyết 

Máy đo đường huyết được chia thành 2 loại chính: máy đo đường huyết cần lấy máu và máy đo đường huyết không cần lấy máu (không xâm lấn)

a/ Máy đo đường huyết cần lấy máu: là loại máy đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Vì máy sử dụng đơn giản, chỉ cần lấy một giọt máu nhỏ ở đầu ngón tay chấm vào que test trên máy, máy sẽ cho ra kết quả chính xác cao.

Do nhu cầu sử dụng của con người ngày càng cao nên loại máy cần lấy máu được cải tiến nâng cao và được chia thành hai nhóm sau:

+ Phân loại máy theo chức năng:

- Máy đo đường huyết

- Máy đo đường huyết và huyết áp

- Máy đo đa chức năng 3 trong 1 ( đường huyết, axit uric, ketone)

+ Phân loại theo que thử:

- Máy đo đường huyết có cài mã code trên que thử

- Máy đo đường huyết không cài mã code trên que thử

b/ Máy đo đường huyết không cần lấy máu: Với loại máy này, người dùng sẽ không cần phải lấy giọt máu để đo giống như loại máy đo tiểu đường kia, mà chỉ cần đặt máy trực tiếp lên bề mặt da, sau đó máy sẽ tự động tiếp nhận thông tin và đưa ra thông số đường huyết của người đo.

4. Tính năng nổi bật của máy đo đường huyết cần lấy máu

- Thời gian cho kết quả nhanh chóng.

- Thiết kế gọn nhẹ, người dùng có thể mang theo mọi lúc, sử dụng mọi nơi.

- Tự động tắt nguồn sau khi không sử dụng.

- Màn hình LCD hiển thị kết quả đo cũng như trạng thái của máy.

- Bộ dung lượng lưu trữ kết quả lớn.

- Thao tác sử dụng máy đơn giản, ngay cả với người cao tuổi.

- Que thử sử dụng công nghệ chống Oxy hóa, có thể sử dụng tới hết hạn ghi trên hộp mà không sợ bị hỏng khi mở hộp.

- Hầu hết các máy đo đường huyết cần lấy máu không phải cài CODE, tất cả thao tác đã được tự động hóa, chỉ cần cắm que thử vào là dùng được.

- Bút lấy máu không đau rất thuận tiện và dễ sử dụng. Bút có thể điều chỉnh mức độ nông sâu của kim để phù hợp với tay của từng người.

- Bộ nhớ cho kết quả trung bình 7 ngày (1 tuần), 14 ngày (2 tuần), 30 ngày (4 tuần). Giúp đánh giá sát thực việc kiểm soát đường huyết.

- Que thử công nghệ mới tự hút máu nên lượng máu cần lấy rất ít, không ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.

- Kim lấy máu với công nghệ Clip Motion (đâm kim theo đường thẳng) không gây cảm giác đau.

- Chế độ cảnh báo khi đạt mức đường huyết cao.

5. Đo đường huyết tại nhà

5.1 Lợi ích của việc sử dụng máy đo đường huyết tại nhà 

Máy đo đường huyết hỗ trợ bạn kiểm tra được lượng đường trong máu, giúp bạn sớm phát hiện và ngăn chặn bệnh kịp thời. Máy nhỏ gọn và rất dễ sử dụng, bạn có thể tự đo cho mình và người nhà mà không cần phải có chuyên môn sâu.

Máy đo đường huyết chính hãng

Đo đường huyết thường xuyên tại nhà giúp bạn kiểm soát được tình trạng sức khỏe để điều chỉnh thực đơn ăn uống cho khoa học, cũng như luyện tập như thế nào để có một thể trạng tốt nhất. Điều này giúp bạn có thể chủ động chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.

Sử dụng máy đo đường huyết tại nhà giúp bạn tiết kiệm được đáng kể thời gian và chi phí cho việc khám chữa bệnh. Nếu như trước kia mọi người phải đến các phòng khám, bệnh viện xét nghiệm máu thì mới biết được lượng đường trong máu của mình là bao nhiêu thì bây giờ bạn có thể tự đo đường huyết tại nhà một cách đơn giản bằng chiếc máy đo đường huyết  tiện dụng.

Chỉ cần vài thao tác đơn giản với máy đo đường huyết tại nhà, bạn không cần phải tốn nhiều tiền cho việc đi thăm khám thường xuyên nữa. Tuy nhiên máy đo đường huyết cũng chỉ là một công cụ để kiểm tra chứ không chữa được bệnh nên bạn vẫn cần đi viện khám lại trong trường hợp kết quả đo đường huyết tại nhà cao hơn so với bình thường.

5.2 Các bước để đo đường huyết chính xác tại nhà

Bước 1: Đầu tiên nên rửa sạch tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Sau đó lau khô tay và lấy bông tẩm cồn lau qua đầu ngón sẽ lấy máu. 

Bước 2: Tiếp theo sẽ chuẩn bị dụng cụ lấy máu. Mở đầu bút và lắp kim lấy máu vào ống bút. Điều chỉnh độ sâu của kim cho phù hợp tại thân bút lấy máu.

Bước 3: Xác định vị trí lấy máu. Vị trí luôn được chọn để lấy máu đo đường huyết là ở đầu ngón tay và thường là ngón áp út.

Bước 4: Lắp que thử vào máy sao cho đúng đầu, một đầu ra ngoài để nhận máu.

Bước 5: Lấy máu: Thả lỏng tay, sau đó đưa bút lại sát đầu ngón tay cần lấy máu. Tiếp theo, bấm nút để kim lấy máu đâm nhẹ vào da, nặn cho ra 1 giọt máu vừa đầu que thử.

Bước 6: Tiến hành đo. Đưa đầu que thử cắm trong máy chạm nhẹ vào giọt máu sao cho lượng máu vừa với khe lấy máu của que thử. Máy sẽ hiển thị kết quả đo trên màn hình trong khoảng 3-5 giây.

Bước 7: Vệ sinh dụng cụ, bỏ que thử và kim lấy máu ra khỏi máy và bút lấy máu.

5.3 Đo đường huyết vào thời điểm nào là tốt nhất 

Đối với người bình thường nên đo đường huyết vào lúc đói hoặc sau ăn 2 tiếng.

Đối với người mắc bệnh tiểu đường thì ngoài thử lúc đói hoặc sau ăn 2 tiếng nên thử thêm vào thời điểm trước và sau khi tập thể dục để căn chỉnh chế độ ăn hợp lý giúp kiểm soát được chỉ số đường huyết trong máu.

Giá trị đường huyết bình thường khi chưa ăn và đo vào buổi sáng khi mới thức dậy là 3,9 - 6,4 mmol/lit

5.4 Các chỉ số đường huyết an toàn 

Đối với người bình thường thì các chỉ số đường huyết được cho là an toàn như sau:

- Đường huyết bất kỳ: < 140 mg/dL (7,8 mmol/l).

- Đường huyết khi đói: < 100 mg/dL (< 5,6 mmol/l).

- Đường huyết sau khi ăn: 140mg/dl (7,8 mmol/l).

6. Một số thương hiệu máy đo đường huyết trên thị trường

Một số thương hiệu máy đo đường huyết cần lấy máu được sử dụng phổ biến trên thị trường hiện nay như: hãng Accu-Check của Đức, Acon - Mỹ, Medisign - Hàn Quốc,....

Medgo hy vọng với những thông tin trên về máy đo đường huyết sẽ giúp bạn lựa chọn đường loại máy đo phù hợp và có thể tự kiểm tra được đường huyết tại nhà để chăm sóc sức khỏe một cách chủ động hơn.

Việc kiểm tra đường huyết thường xuyên tại nhà sẽ là một sự hỗ trợ cần thiết cho mọi người, đặc biệt là người mắc bệnh tiểu đường có một lối sống khoa học và khỏe mạnh hơn.